V I Z E E

Loading

Cung cấp các sản phẩm nông sản tươi & cấp đông

  • Xã Bắc Sơn, Huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai
  • Phone: 0924.443.505
 
 

Số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 5 năm qua.

Bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam, sau các loại xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa – được phép tiếp cận thị trường Mỹ sau 5 năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực đàm phán. Bưởi cũng được xuất khẩu chính ngạch sang New Zealand kể từ tháng 12/2022.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, bưởi tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý quả bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động – thực vật Mỹ (APHIS).

Hiện cả nước có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng bưởi khoảng 32.000 ha với sản lượng 369.000 tấn….

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả nhận định, nhờ ký nghị định, xuất khẩu chính ngạch bưởi tươi vào Mỹ, New Zealand nên xuất khẩu tăng trưởng đột biến. Chất lượng bưởi da xanh của Việt Nam ngày càng nâng cao nên được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt cũng nhận thấy, quả bưởi Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh nên được ưu tiên trong công tác đàm phán mở cửa thị trường.

Ông nói: “Chất lượng bưởi Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước nhờ có vị ngọt vừa phải, thích hợp với gu tiêu dùng của người dân Liên minh châu Âu (EU), Mỹ. Với bưởi da xanh còn có ưu điểm múi tách dễ dàng, không bị dính lớp màng khi ăn không bị nhân nhẩn (vị đắng nhẹ) và ráo nước. Đặc biệt, bưởi là loại vỏ dày, dễ tồn trữ, thời gian bảo quản sau thu hoạch dài nên có thể xuất khẩu bằng đường biển với chi phí thấp” .

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T – đơn vị chiếm 60% thị phần rau quả xuất khẩu sang Mỹ – thông tin, bưởi Việt mới đặt chân vào thị trường Mỹ, New Zealand và đang phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh từ Trung Quốc, Mexico. Tuy nhiên, mặt hàng này không hề lép vế.

Tại Mỹ, bưởi Việt có đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc. Hàng nước này có giá bán chỉ 2 USD (49.000 đồng) một kg, mẫu mã rất đẹp, trong khi hàng Việt giá 9 USD (220.000 đồng)/kg, tức cao gấp 4,5 lần.

“Thời gian đầu, khi hàng Việt vào thị trường Mỹ, đối tác nhập khẩu không quan tâm. Tuy nhiên, sau một thời gian được người tiêu dùng tiếp nhận, họ đã và đang đặt số lượng mua tăng cao so với đợt đầu”, ông Tùng chia sẻ.

Bà Ngô Trường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nêu quan điểm, mọi người nhận xét trái bưởi da xanh của Việt Nam mình đến thời điểm hiện tại ở tại thị trường Mỹ gần như là ngon nhất. “Do đó, chúng ta càng phải làm tốt hơn nữa để làm sao giữ vững được những đơn hàng tiếp theo. Các doanh nghiệp cần có sự đồng đều về chất lượng để làm nên thương hiệu quốc gia. Năm 2023 phải là năm thay đổi, thay đổi về canh tác, thay đổi về sản lượng để chúng ta có thể làm được những cột mốc lớn hơn”, bà Vy nhấn mạnh.

Nguồn: Bộ ngoại giao Việt Nam.

Tin tức liên quan

ý kiến bạn đọc

Gửi thông tin bình luận